Waterhead Rating - Chỉ số chống nước của vải Chỉ số chống nước của vải, hay của lớp phủ chống nước cho vải (chủ yếu là lớp phủ PU - Polyurethane) được thử nghiệm và so sánh dựa trên một phép đo có tên gọi "Cột áp thủy tĩnh" ( Hydrostatic Head - Viết tắt là HH). Giải thích một cách đơn giản, số đo độ cao của “cột áp thủy tĩnh” này (theo đơn vị milimét) sẽ biểu thị lượng nước mà vải có thể chống chịu được trước khi để nước thấm qua.
Cột áp thủy tĩnh được đo như thế nào?
Để đo cột áp thủy tĩnh, nhà sản xuất sẽ dùng một ống trong suốt đặt thẳng đứng trên tấm vải. Sau đó từ từ đổ nước vào ống và quan sát xem cột nước có thể cao đến mức nào, trước khi nước bắt đầu thấm qua.
Ví dụ: một sản phẩm vải có chất liệu vải với chỉ số PU3000 mm nghĩa là bề mặt vải có thể chịu được áp lực từ một cột nước cao tới 3 mét, trước khi nước bắt đầu thấm qua.
Trên thực tế, dưới tác động của gió và trọng lực hắt nước mưa vào bề mặt lều, để chống lại mưa nhỏ, bạn sẽ cần vải lều có chỉ số chống nước khoảng 1000mm. Mưa nặng hạt kèm gió sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên vải lều, và yêu cầu chỉ số chống nước cao hơn, khoảng 2000mm.
Với bất kể chỉ số nào cao hơn 2000mm (một số lều có chỉ số chống nước lên đến 10,000mm), lều có thể “tồn tại” ngay cả dưới áp lực nước đẩy do tác động vật lý, ví du như từ con người hay khi cây cối chà xát trên vải lều do gió giật.
Đối với đáy lều (ground sheet), nơi mà bạn sẽ di chuyển, đi lại, ngồi, nằm và hoạt động trên đó, áp lực lên đáy lều sẽ khá lớn, chỉ số lý tưởng cho vải sàn lều 5000mm nhưng cũng có thể thấp hơn tùy thuộc vào nhu cầu, thời tiết và địa hình khu vực bạn dự định cắm trại. Mép sàn lều cần uốn cong lên theo tường lều để tránh đọng nước và tràn nước vào lều, đặc biệt chú ý những chỗ may tiết giáp giữa tường lều và đáy lều phải có dán băng bọc chống nước ( ép seam ) tránh nước tràn vào lều qua đường may.
>> Xem ngay các mẫu Lều cắm trại chỉ có tại Trackman.vn .